Bộ Xây dựng: Thị trường BĐS vẫn thiếu trầm trọng nguồn cung

Chia sẻ tin này:

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động của thị trường BĐS vẫn chưa sôi động trở lại, trong khi nguồn cung lại thiếu trầm trọng ở tất cả phân khúc sản phẩm.

Số liệu công bố của Bộ Xây dựng tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường BĐS tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường BĐS vẫn chưa sôi động trở lại.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là thiếu nguồn cung NƠXH và nhà ở thương mại giá rẻ, giao dịch trầm lắng.

Về nguồn cung BĐS tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc, trong đó, nhà ở thương mại hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 6 tháng cuối 2022; hoàn thành 4 dự án NƠXH với quy mô 934 căn hộ; Dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành 8 dự án với 3.385 căn.

Theo Bộ Xây dựng, giá giao dịch BĐS tiếp tục có xu hướng giảm so với 6 tháng cuối năm 2022, trong đó thời điểm giá giảm nhiều là quý I/2023. Trong đó, giá chung cư tại các địa phương giảm từ 2-6% so với kỳ trước; nhà ở riêng lẻ giảm từ 6-10% so với kỳ trước và đất nền tại các dự án giảm khoảng từ 8-11%.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường BĐS tiếp tục trạng thái trầm lắng.

Thị trường BĐS 6 tháng đầu năm trầm lắng cũng khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án BĐS, cắt giảm lao động…ảnh hưởng đến an sinh, trật tự xã hội.

Cụ thể, theo thống kê 5 tháng đầu năm 2023 đã có 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, đăng ký mới, vốn của doanh nghiệp ngày càng giảm mạnh, số doanh nghiệp giải thể tăng, doanh nghiệp thành lập mới giảm trên 50% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh BĐS 6 tháng đầu năm 2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt đối với lĩnh vực BĐS, đặc biệt là tháo gỡ pháp lý, tháo gỡ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Nhiệm vụ này sẽ tiếp tục thực hiện nội dung này để gỡ khó cho doanh nghiệp và thị trường BĐS.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng cao gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cân đối lại cung cầu, cơ cấu sản phẩm thị trường BĐS, tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung NƠXH, nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường BĐS, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh.

Nguồn: Tạp chí xây dụng.vn

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm